Lê Thị Thanh Lan
“Nghiên cứu dự báo các vấn đề kinh tế – xã hội của giống lúa vàng nhằm cải thiện tình trạng thiếu vitamin A ở xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên”.
Nhiều nghiên cứu từ khía cạnh dinh dưỡng, y tế cho thấy việc thiếu vitamin A cao đã dẫn đến tình trạng tử vong, các bệnh mãn tính và cấp tính cao ở Việt Nam. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ sinh học như hiện nay, chúng ta đã dễ dàng sản xuất giống lúa giàu vitamin A hay còn gọi là giống lúa vàng (Golden Rice) để người tiêu dùng có thể bổ sung hàm lượng vitamin A trong bữa ăn hàng ngày. Đây là giống lúa được sản xuất bằng cách đưa beta-carotene vào phôi nhủ của gạo thường dùng để khi đưa vào cơ thể gặp dầu mỡ chúng sẽ hấp thu và chuyển hoá thành vitamin A.
Đề tài được thực hiện nhằm nghiên cứu nguyên nhân và tỷ lệ thiếu vitamin A thực tế của ba đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em dưới 5 tuổi, bà mẹ đang mang thai và bà mẹ đang cho con bú. Đồng thời đề tài cũng nghiên cứu về lợi ích tiềm năng của giống lúa vàng nếu đưa vào tiêu thụ tại xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Số liệu điều tra ban đầu được thu thập từ việc lấy mẫu máu của 151 đối tượng trên để xét nghiệm việc thiếu vitamin A và phỏng vấn trực tiếp nhằm tìm hiểu nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu vitamin A của ba đối tượng trên.
Kết quả cho thấy các nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu vitamin A như: ăn uống đã không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng là 52,32%. Chi phí không đáp ứng đủ 2.100Kcal là 55,63%. Có 41,72% bà mẹ không biết tác hại do thiếu vitamin A gây nên, chỉ có 60,26% bà mẹ đi uống vitamin A sau khi sinh, và 47,02% các cháu bé dưới 5 tuổi được uống vitamin A (mặc dù xã Hoá Thượng được đưa vào chương trình được uống vitamin A 100%). Về giới tính, bé gái thiếu vitamin A cao hơn bé trai.
Tỉ lệ thiếu vitamin ở trẻ em dưới 5 tuổi là 24%, bà mẹ đang mang thai là 3,92% và bà mẹ đang cho con bú là 48%.
Sau cùng vận dụng phương pháp DALYs (Disability Adjusted Life Years) được WHO và WB sử dụng để tính thiệt hại do thiếu vitamin A và lợi ích tiềm năng của giống lúa vàng. Kết quả cho thấy nếu sử dụng giống lúa vàng trong bữa ăn hàng ngày thì số năm mất đi do tử vong và bệnh tật giảm và chúng tôi đã qui đổi cho các nước đang phát triển là một năm mất đi của tử vong và bệnh tật do thiếu vitami A là 1.000$ U.S, như vậy chi phí giảm đi do việc giảm thiếu vitamin A mang lại có hai trường hợp. Nếu lúa vàng chứa 1,6 g beta-carotene/100g gạo thì chi phí giảm từ tử vong là 20 $ U.S, bệnh cấp tính là 111 $ U.S và bệnh mãn tính là 542 $ U.S. Nếu lúa vàng chứa 3 g beta-carotene/100g gạo thì chi phí sẽ giảm của tử vong là 39 $ U.S, của bệnh cấp tính là 221$$ U.S, và bệnh mãn tính là 1.084$ U.S.
Tỉ lệ người được phỏng vấn sử dụng giống lúa vàng là 60,3%.
Mai Chiếm Hiếu
“ Nghiên cứu thực trạng và những nhân tố tác động đến nghèo ở thị xã Bảo Lôc tỉnh Lâm Đồng”
Nghiên cứu đã được thực hiện trên cơ sở điều tra hộ gia đình của 5 phường, xã đại diện cho thị xã Bảo Lộc bao gồm: Phường I, phường Lộc Phát, xã Lộc Nga, xã Đa’mri và xã Đại Lào. Số liệu được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp với 245 hộ gia đình.
Kết quả nghiên cứu thực tế ở thị xã Bảo Lộc đã cho thấy nghèo đói ở đây chưa thực sự nghiêm trọng, với tỉ lệ nghèo là 15,9%; trong đó tỉ lệ nghèo ở nông thôn là 20,5% và thành thị 10,1%.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng có hai nhóm nhân tố tác động đến khả năng nghèo cũng như thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình theo chiều hướng ngược nhau.
Thứ nhất, nhóm các nhân tố có tác động làm giảm thu nhập bình quân đầu người (tác động âm) và làm gia tăng (tác động dương) khả năng nghèo của hộ gia đình bao gồm: nghề nghiệp của chủ hộ, nơi cư trú của hộ, quy mô của hộ gia đình và tỉ lệ số học sinh đến trường trên tổng số người trong gia đình. Theo đó, nhóm các chủ hộ làm nghề nông; những hộ sống cách biệt, xa trung tâm; những hộ đông người và có nhiều trẻ em đến trường sẽ làm giảm mức thu nhập bình quân đầu người và gia tăng khả năng nghèo của hộ gia đình.
Thứ hai, nhóm các nhân tố tác động làm tăng thu nhập bình quân đầu người (tác động dương ) cũng như làm giảm khả năng nghèo (tác động âm) bao gồm: trình độ học vấn của chủ hộ; trình độ học vấn bình quân của những người trưởng thành trong gia đình; diện tích đất canh tác của hộ; khả năng tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức của hộ. Theo đó, nhóm các hộ mà trình độ học vấn của chủ hộ và trình độ của những người trưởng thành trong gia đình càng cao, có nhiều diện tích đất canh tác hơn và tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức của chính phủ thì có tác động làm cho thu nhập bình quân đầu người tăng lên, khả năng rơi vào hoàn cảnh nghèo của hộ gia đình giảm xuống.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu về sự phân hoá giàu nghèo ở thị xã Bảo Lộc còn cho thấy, mặc dù sự phân hoá giàu nghèo ở đây chưa cao, nhưng dưới tác động của sự phân hoá về đất đai sử dụng đang làm cho khoảng cách phân hoá thu nhập ở nông thôn là cao hơn hẳn so với thành thị.
Nguyễn Văn Năm
“ Nghiên cứu hiện trạng và giải pháp phát triển kinh tế trang trại cây ăn quả tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 “
Đề tài được tiến hành tại tỉnh Đồng Nai, thời gian từ tháng 04 đến tháng 12 năm năm 2001.
Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu bao gồm:
•Phương pháp mô tả nhằm đánh giá và nhận thức đúng đắn về thực trạng kinh tế trang trại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
•Phương pháp lịch sử nhằm tìm hiểu những nguyên nhân liên quan đến thực trạng của kinh tế trang trại cây ăn quả đã diễn ra trong quá khứ, đồng thời góp phần xây dựng những định hướng có tính dự báo trong tương lai đối với trang trại cây ăn quả tỉnh Đồng Nai.
•Phương pháp tương quan được ứng dụng nhằm xác định và đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của trang trại cây ăn quả.
Ngoài ra, đề tài còn vận dụng các công cụ đặc thù trong nghiên cứu này như đánh giá nhanh nông thôn có sự tham dự, điều tra chọn mẫu theo phân tầng, phương pháp phỏng vấn các ngành có liên quan, phương pháp chuyên gia và sử dụng ma trận SWOT.
Kết quả nghiên cứu đã đạt được:
•Theo kết quả điều tra, phỏng vấn và phân tích từ 161 trang trại cây ăn quả chủ yếu như xoài, nhãn, chôm chôm và sầu riêng ở tỉnh Đồng Nai chỉ ra rằng, tỉnh Đồng Nai có nhiều lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội để phát triển kinh tế trang trại cây ăn quả.
•Mặt khác, kết quả nghiên cứu đã phản ánh trung thực về các nhân tố ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế trang trại cây ăn quả tỉnh Đồng Nai như vấn đề tiêu thụ sản phẩm, giống, vốn sản xuất, lao động, tiến bộ khoa học kỹ thuật, trình độ cơ giới và trình độ chuyên môn của chủ trang trại cây ăn quả.
•Trên cơ sở đó, đề tài đã đưa ra các định hướng chung và định hướng cụ thể tập trung ưu tiên giải quyết thị trường tiêu thụ, tăng cường tổ chức sản xuất, cung ứng đầu vào và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế trang trại cây ăn quả của tỉnh. Đồng thời đưa ra các giải pháp góp phần phát triển kinh tế trang trại cây ăn quả. Các giải pháp có tính thiết thực và quan trọng này được xem như là một hệ thống đồng bộ bao gồm các giải pháp cho đầu ra, giải pháp đầu vào, giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng, và giải pháp về tổ chức hợp tác, nguồn nhân lực con người nhằm phát triển kinh tế trang trại cây ăn quả tỉnh Đồng Nai đến năm 2010.
Nguyễn Văn Lành
“ Phân tích ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế xã hội đối với thu nhập của nông hộ ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận”
đã được tiến hành tại tỉnh Ninh Thuận với thời gian từ tháng 7 năm 2002 đến tháng 7 năm 2003.
Đề tài đã được sử dụng bởi các phương pháp nghiên cứu :
- Phương pháp thống kê mô tả nhằm đánh giá thực trạng tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp mà trong đó nhấn mạnh đến tình hình kinh tế của nông hộ, tình hình đầu tư các yếu tố phục vụ sản xuất và kết quả thu nhập của họ.
- Phương pháp lịch sử: Nhằm so sánh, đối chiếu với thông tin đã có trong quá khứ để tìm hiểu nguyên nhân và có kết luận phù hợp.
- Phương pháp tương quan được áp dụng để xem xét mối quan hệ về lượng giữa các yếu tố, nhất là giữa các yếu tố giải thích với yếu tố được giải thích.
Ngoài ra, đề tài còn được sử dụng các phương pháp kế thừa số liệu; phương pháp đánh giá nhanh; phương pháp điều tra chọn mẫu; phương pháp chuyên gia, phương pháp phỏng vấn.
Đề tài được xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.
Kết quả nghiên cứu đã đạt được là xác định và phân tích mức độ ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế xã hội mà trong đó chủ yếu là các yếu tố đầu vào sản xuất ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, trên cơ sở đó đã đề ra biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và đảm bảo đời sống cho nông hộ tại đây.
Phạm Văn Trịnh
‘’Mô hình chăn nuôi bò sữa ở huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương’’
Đề tài được tiến hành tại huyện Bến Cát từ tháng 7/2002 đến 6/2003 nhằm:
a/ Đánh giá thực trạng tình hình chăn nuôi bò sữa và thực trạng các mô hình CNBS ở huyện Bến Cát, Bình Dương.
b/ Phân tích, đánh giá hiệu quả của các mô hình CNBS.
c/ Phân tích mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến năng suất sữa bò ở các mô hình CNBS.
d/ Xác định quy mô bò sữa trong các trang trại và nông hộ để tối đa hoá thu nhập.
e/ Đánh giá mức độ ảnh hưởng của một số chính sách đến việc quyết định lựa chọn của người dân trong việc chuyển hướng sang chăn nuôi bò sữa.
f/ Đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện, phát triển mô hình CNBS ở huyện Bến Cát, Bình Dương.
Số liệu điều tra được phân tầng theo mô hình trang trại, mô hình nông hộ quy mô lớn, quy mô vừa, quy mô nhỏ. Các mô hình nông hộ điều tra theo phương pháp ngẫu nhiên. Để phân tích số liệu, đề tài đã sử dụng phương pháp thống kê mô tả và phương pháp mô hình hóa. Công cụ phân tích bao gồm: áp dụng hàm sản xuất Cobb – Douglas và phần mềm SPSS để phân tích mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến năng suất sữa bò; dùng phần mềm Solver trên nền Excel để giải bài toán quy hoạch tuyến tính đã xác định được phương án tối ưu cho các mô hình.
Kết quả nghiên cứu cho thấy cơ cấu thu nhập có ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của các mô hình CNBS. Trong các mô hình tỷ trọng thu nhập từ bò sữa càng cao thì thu nhập của mô hình càng cao. Đề tài đã phân tích được mức độ ảnh hưởng của các nhân tố về kinh tế, kỹ thuật, xã hội đến năng suất sữa của bò sữa và phân tích độ nhạy của giá các loại sản phẩm, vật tư đến lợi nhuận của mô hình. Với bài toán quy hoạch tuyến tính đã xác định mô hình sản xuất hợp lý cho các mô hình chăn nuôi bò sữa. Nhìn chung, các mô hình chưa khai thác hết nguồn lực của mình. Chúng tôi giải bài toán khi nguồn lực tăng ở các mức khác nhau đã cho thấy chi phí cơ hội của các nguồn lực còn rất lớn. Đối với các mô hình chăn nuôi bò sữa ở Bến Cát hiện nay, chi phí cơ hội của vốn rất lớn, nhưng nhu cầu tăng vốn để sản xuất có lời cũng chỉ hạn chế ở mức độ nhất định. Khoa học kỹ thuật là yếu tố có chi phí cơ hội rất lớn và không bị hạn chế ở mọi mức tăng. Đặc biệt đối với các nông hộ quy mô nhỏ chi phí cơ hội của khoa học kỹ thuật còn lớn hơn nhiều so với trang trại và nông hộ có quy mô lớn. Luận văn cũng đã phân tích mức độ ảnh hưởng của giá cả sản phẩm, vật tư thông qua phương pháp phân tích độ nhạy hai chiều. Trong các loại vật tư, sản phẩm thì giá thành một kg thức ăn thô xanh có ảnh hưởng nhiều nhất đến lợi nhuận của chăn nuôi bò sữa. Đề tài cũng đi sâu vào phân tích ảnh hưởng của các nhân tố vĩ mô đến việc người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có hiệu qua thấp sang phát triển chăn nuôi bò sữa.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các loại mô hình có những yêu cầu rất khác nhau về các nguồn lực. Đối với mô hình nông hộ quy mô nhỏ thì nhu cầu về khoa học kỹ thuật là yếu tố hàng đầu, kế đó mới đến các yếu tố về vốn, lao động và đất. Mỗi mô hình chăn nuôi bò sữa được thực hiện trong những điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội nhất định. Không nên chỉ áp dụng một mô hình chuẩn mực cho tất cả các đơn vị sản xuất cơ sở. Điều kiện nào thì mô hình ấy, điều kiện thay đổi thì mô hình cũng thay đổi theo.
Nguyễn Thanh Tâm
"Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập nông hộ tại địa bàn Nông Trường Sông Hậu huyện Oâ Môn tỉnh Cần Thơ"
Nghiên cứu được tiến hành tại địa bàn Nông Trường Sông Hậu, thời gian từ tháng 8 năm 2002 đến tháng 12 năm 2002 nhằm
1) Phân tích một số chỉ tiêu kinh tế nông hộ.
2) Phân tích các thông số ước lượng hàm thu nhập, hàm xác suất nghèo đói và hàm sản xuất tác động đến thu nhập nông hộ.
3) Phân tích các chính sách tác động đến thu nhập nông hộ.
4) Trên cơ sở đó, đề tài đưa ra một số ý kiến đề xuất góp phần làm tăng thu nhập nông hộ.
Số liệu được thu thập qua điều tra trực tiếp 100 hộ nông dân được chọn ngẫu nhiên trong tổng số 2157 hộ vào năm 2002. Các nông hộ được điều tra phỏng vấn trên cơ sở sử dụng bảng mẫu điều tra đã được chuẩn bị trước. Để phân tích số liệu đề tài đã sử dụng một số phương pháp như: phương pháp thống kê mô tả, phương pháp nghiên cứu lịch sử và phương pháp tương quan. Công cụ phân tích bao gồm: áp dụng hàm tuyến tính, hàm probit, hàm phi tuyến (bậc 2) và phân tích kinh tế toàn phần; dùng phần mềm Excel và phần mềm SPSS để chạy hàm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy thu nhập nông hộ chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như: trình độ văn hóa chủ hộ, kinh nghiệm sản xuất, số thành viên trong gia đình, lao động ngoài nông nghiệp và khả năng tiếp cận với vốn vay. Ngoài ra, thu nhập nông hộ còn bị tác động gián tiếp bởi các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lúa và chính sách đa canh đa dạng hóa sản xuất của nông trường thông qua các mô hình canh tác.
Trần Thị Thanh Xuân
“Đánh giá tác động của kỹ thuật canh tác lúa cải tiến trong sản xuất lúa đến việc phân phối thu nhập và giảm nghèo
tại tỉnh Long An”.
Qua phân tích số liệu điều tra của 203 nông hộ sản xuất lúa, ở hai khu vực hệ sinh thái và hai điều kiện cơ sở hạ tầng khác biệt làm cơ sở đánh giá sự đóng góp của kỹ thuật canh tác lúa cải tiến đến phân phối thu nhập và giảm nghèo ở tỉnh Long An.
Kết quả cho thấy khả năng tạo ra nguồn thu nhập từ hệ sinh thái nước trời, có cơ sở hạ tầng yếu kém đã bị hạn chế rất nhiều so với hệ sinh thái tưới tiêu chủ động, cơ sở hạ tầng phát triển. Tình trạng nhóm dân cư có trình độ văn hóa thấp chiếm tỷ lệ khá cao ở vùng kém phát triển với 19,4% chủ hộ mù chữ và tỷ lệ này ở vùng phát triển chỉ có 4%. Điều này giới hạn khả năng tiếp cận với việc ứng dụng khoa học tiến bộ hoặc tìm kiếm việc làm ổn định trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Diện tích đất canh tác bình quân đầu người ở giữa hai vùng kém phát triển và phát triển lần lượt là 0,162 ha/người và 0,148 ha/người nhưng khả năng canh tác ở vùng phát triển hoàn toàn thuận lợi có 64,58% diện tích canh tác 3 vụ/năm; 34,51% diện tích canh tác 2 vụ/năm, còn vùng kém phát triển có đến 94,01% diện tích chỉ canh tác được 1 vụ/năm.
Kỹ thuật canh tác lúa cải tiến chỉ phát huy hiệu quả ở vùng có hệ thống thủy lợi phát triển. Ngược lại, ở vùng có điều kiện bất lợi về tự nhiên nếu chưa có hệ thống thủy lợi, phòng chống lũ lụt, ngăn mặn thì không thể áp dụng được do không thích nghi dẫn đến năng suất thấp, cụ thể giống mới canh tác ở hệ sinh thái tưới tiêu chủ động sẽ cho năng suất cao hơn so giống mới canh tác ở hệ sinh thái nước trời là 49,6%. Chính vì thế, ở hệ sinh thái tưới tiêu chủ động canh tác lúa là nguồn thu nhập chính chiếm tỷ lệ 40,1% so với 11,6% ở vùng nước trời.
Kỹ thuật canh tác lúa cải tiến đã góp phần tăng thu nhập từ lúa và thu nhập nông hộ nếu phối hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng phát triển, tỷ lệ gia tăng 77% thu nhập từ lúa và 23,6% thu nhập nông hộ.
Về chi phí, chi phí mua ngoài khi áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến cao hơn 1,8 lần so với kỹ thuật canh tác lúa truyền thống. Nhưng tốc độ gia tăng năng suất là 2,2 lần cao hơn tốc độ gia tăng chi phí nên hiệu quả kinh tế về thu nhập/chi phí trong áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến ở hệ sinh thái tưới tiêu chủ động đạt 1,767 và trong trường hợp canh tác theo kỹ thuật truyền thống đạt 1,343.
Việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến đã cải thiện được khoảng cách phân hóa trong phân phối thu nhập từ lúa. Cụ thể khi áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến hệ số Gini là 0,408 nhỏ hơn hệ số Gini phản ánh mức độ bất đồng đẳng trong thu nhập từ canh tác lúa truyền thống là 0,537. Kết quả này phản ảnh khả năng ứng dụng kỹ thuật canh tác cải tiến chỉ đáp ứng được đối với nhóm cộng đồng ở khu vực canh tác thuận lợi, ngược lại nhóm thiệt thòi ở khu vực canh tác có hệ sinh thái nước trời thì mức độ bất đồng đẳng trong phân phối thu nhập cao hơn.
Cuối cùng sử dụng các chỉ số về tỷ lệ nghèo đói, tỷ số khoảng cách nghèo đói và chỉ số FGT theo từng vùng và hệ sinh thái cụ thể để xem xét vấn đề giảm nghèo trong việc ứng dụng kỹ thuật canh tác. Kết quả ước lượng chỉ số
FGT cho thấy những người sống trong vùng kém phát triển và vùng sản xuất lúa theo kỹ thuật truyền thống thì tình trạng nghèo đói ở mức độ nghiêm trọng nhất. Số liệu điều tra đã chỉ rõ, 24,1% nông hộ có thu nhập bình quân đầu người dưới ngưỡng nghèo đói. Nhờ vào điều kiện sản xuất tiến bộ và ứng dụng thành công kỹ thuật canh tác cải tiến đã đóng góp vào việc cải thiện tỷ lệ nghèo đói từ 39% còn 2%. Do đó, đối với vùng có hệ sinh thái tưới tiêu chủ động thu nhập của nông hộ nghèo chỉ cần tăng 0,61% có thể vượt khỏi ngưỡng nghèo. Đối với những hộ canh tác ở hệ sinh thái nước trời theo kỹ thuật truyền thống thì thu nhập của nông hộ nghèo cần phải tăng 16,48% mới có khả năng thoát khỏi tình trạng nghèo.
Trần Đình Lý
" Ngjiên cứu thực trạng và giải pháp phát triển ngành chăn nuôi heo TP. Hồ Chí Minh đến năn 2010"
Đề tài thực hiện với các nội dung:
Phân tích đánh giá thực trạng ngành chăn nuôi heo ở TPHCM. Kết quả cho thấy: cầu về thịt heo rất lớn, lượng cung ngay tại TPHCM và các tỉnh chuyển đến vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng. Riêng TP.HCM mới chỉ đáp ứng trên 20% thị trường thịt heo.
Phân tích các yếu tố môi trường (vi mô và vĩ mô) và rút ra được 5 điểm mạnh, 5 điểm yếu, 5 cơ hội và 5 rủi ro chính (thể hiện trong ma trận SWOT) đối với ngành chăn nuôi heo TP.HCM.
Hoạch định chiến lược và đưa ra các giải pháp thiết thực, kịp thời để phát triển một cách hợp lý ngành chăn nuôi heo vốn đang gặp khá nhiều khó khăn. Các giải pháp chủ yếu được đề cập trong đề tài này là:
1) Xúc tiến đẩy mạnh việc chuyển theo hướng sản xuất heo giống có năng suất và chất lượng
2) Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là TCTNNSG, một đơn vị quốc doanh có vai trò chủ đạo.
3) Chính sách tài chính tín dụng nhằm kích thích phát triển ngành heo
4) Các vấn đề đầu vào, đặc biệt về thức ăn gia súc
5) Củng cố thị trường trong nước và chú trọng thị trường quốc tế
6) Chấn chỉnh các hoạt động giết mổ
Trần Độc Lập
“Tác Động Của Tín Dụng Nông Thôn Đến Hoạt Động Sản Xuất Nông Nghiệp Huyện Bến Lức Tỉnh Long An”
Đề tài nghiên cứu đã chỉ ra được tác động của tín dụng nông thôn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện Bến Lức theo không gian và theo thời gian, cụ thể là đối với ngành trồng lúa, mía và chăn nuôi heo.
Nghiên cứu đã chọn 2 xã điển hình về hoạt động tín dụng trong các ngành trồng lúa, trồng mía và chăn nuôi heo là: Mỹ Yên và Lương Bình. Số liệu được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp 240 hộ nông dân, bao gồm 120 hộ có vay và 120 không vay.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tín dụng nông thôn đã có tác động gia tăng quy mô và mức đầu tư vốn của các ngành. Vốn tín dụng cũng có tác động làm gia tăng sản lượng sản xuất của các hộ nông dân thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đầu tư thêm vốn trong sản xuất. Cụ thể, khi lượng vốn vay đầu tư trong sản xuất lúa tăng 1% thì sản lượng lúa của các hộ tăng 0,3941% và khi lượng vốn vay đầu tư trong sản xuất mía tăng 1% thì sản lượng mía của các các hộ tăng 0,562%. Nghiên cứu còn cho thấy trình độ học vấn có tác động làm gia tăng sản lượng sản xuất, điều này được thể hiện qua yếu tố trình độ văn hóa của chủ hộ có mối tương quan thuận với sản lượng xuất của các trồng lúa và mía. Đây là một là một kết luận rất có ý nghĩa trong việc gia tăng cung ứng vốn tín dụng cho các hộ sản xuất, đặc biệt là những chủ hộ có trình độ văn hoá cao.
Việc đầu tư vốn tín dụng trong sản xuất của các hộ nông dân hiện nay là có hiệu quả, và các hộ vẫn có thể tiếp tục gia tăng mức đầu tư vốn trong sản xuất để có thể đạt được mức lợi nhuận tối đa. Song song đó kết quả nghiên cứu còn cho thấy rằng đầu tư vốn tín dụng trong sản xuất lúa đã mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất mía. Ngoài ra để bảo đảm cho việc đầu tư vốn tín dụng của người dân trong sản xuất có hiệu quả thì nhà nước cần phải có biện pháp bảo đảm thu mua nông sản với giá tối thiểu là 2019 đồng/kg lúa nàng thơm và 193,6 đồng/kg mía.
Đoàn Ngọc Trung
Lâm Thành Nhanh
“Phân tích hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế trang trại thuỷ sản ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh”
Đề tài được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng, mức độ hiệu quả và các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các trang trại thuỷ sản, phân tích các mặt thuận lợi, khó khăn và xác định chiến lược phát triển cũng như các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ cho các trang trại khai thác tốt hơn lợi thế cạnh tranh của địa phương.
Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu bao gồm phương pháp mô tả, phương pháp lịch sử, phương pháp tương quan và phân tích định tính SWOT. Số liệu phân tích được thu thập từ các nguồn thông tin thứ cấp, phỏng vấn các ngành có liên quan, kết hợp với điều tra thu thập số liệu từ 90 chủ trang trại nuôi tôm sú ở cả ba mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp và quảng canh cải tiến.
Kết quả cho thấy việc phát triển trang trại thuỷ sản hiện nay có nhiều thuận lợi do chủ trương đúng đắn, kịp thời từ phía Chính quyền và sự đồng tình hưởng ứng của đa số người dân vùng nông thôn do điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tại địa phương rất phù hợp với xu thế phát triển nông sản hàng hóa. Phân tích lợi nhuận - chi phí cho thấy trong ba mô hình nuôi tôm tại địa phương, mô hình nuôi bán công nghiệp hiện nay đạt hiệu quả cao nhất do mô hình này phù hợp với điều kiện môi trường nuôi, năng lực của chủ trang trại và tập quán sản xuất tại địa phương. Kết quả nghiên cứu cho thấy những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình phát triển trang trại thuỷ sản như: vốn sản xuất, lao động, thức ăn, con giống, tiêu thụ sản phẩm, tiến bộ khoa học kỹ thuật. Qua phân tích, đề tài đã đưa ra các định hướng chung và giải pháp cụ thể tập trung vào việc nâng cao năng lực sản xuất của chủ trang trại, gia tăng hiệu quả kinh tế nhằm hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế trang trại được ổn định và bền vững.
Lê Vũ
“Phân tích lợi thế so sánh ngành chăn nuôi bò sữa ở Đông Nam Bộ”
Đề tài nhằm:
1. Đánh giá kết quả chăn nuôi bò sữa nông hộ tại vùng Đông Nam Bộ
2. Xác định lợi thế so sánh trong chăn nuôi bò sữa Vùng Đông Nam Bộ bằng cách xác định Chi Phí Nội Lực (DRC, Domestic Resource Cost).
3. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến lợi thế so sánh trên, từ đó đề xuất một số chính sách thích hợp.
Số liệu sử dụng trong đề tài là những số liệu thứ cấp, được cập nhật, rút trích từ những tài liệu, tạp chí, sách báo, các cơ quan có liên quan, và số liệu sơ cấp được thu thập thông qua điều tra phỏng vấn từ nông hộ chăn nuôi bò sữa ở những nơi có đàn bò sữa tập trung đông như huyện Bến Cát, Thuận An, tỉnh Bình Dương, huyện Củ Chi, Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. Để phân tích số liệu này đề tài đã sử dụng phương pháp thống kê mô tả, phương pháp nguyên nhân kết quả và phương pháp tương quan.
Đề tài nghiên cứu đã áp dụng hàm Cobb – Douglas được xử lý trên phần mềm Eviews để phân tích mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến năng suất sữa, và ước lượng chỉ tiêu DRC để xác định lợi thế so sánh của ngành chăn nuôi bò sữa vùng Đông Nam Bộ. Ngoài ra đề tài còn sử dụng phân tích độ nhạy được tính toán trên phần mềm Excel để phân tích sự biến động của các tố về giá đầu vào đến DRC.
Kết quả nghiên cứu cho thấy lợi nhuận bình quân trong một chu kỳ cho sữa khoảng 3,4 triệu đồng, với thu nhập bình quân là hơn 4,8 triệu đồng ở quy mô vừa. Kết quả nghiên cứu cũng cho biết, ngành chăn nuôi bò sữa ở khu vực Đông Nam Bộ thật sự có lợi thế so sánh (DRC = 11.352). Như vậy việc sản xuất sữa trong nước thay thế dần sữa nhập sẽ mang lại lợi ích cho quốc gia. Mỗi kilôgram sữa bột sản xuất trong nước tiết kiệm cho quốc gia khoảng 9.600 đồng.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy lợi thế so sánh của ngành chăn nuôi bò sữa sẽ mất đi khi giá nhập sữa bột giảm 30%; giá thức ăn tinh, giá lao động tăng lên tương ứng là 120% và 160%.
Mặt khác, khi trình độ khoa học kỹ thuật, quản lý của người chăn nuôi và của cán bộ thú y tăng thì lợi thế của ngành lại càng tăng (DRC = 10.146), điều này thể hiện rõ qua việc giảm tỉ lệ phối giống không đậu thai nhiều lần.
Lê Thị Thanh Lan
“Nghiên cứu dự báo các vấn đề kinh tế – xã hội của giống lúa vàng nhằm cải thiện tình trạng thiếu vitamin A ở xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên”.
Đề tài được thực hiện nhằm nghiên cứu nguyên nhân và tỷ lệ thiếu vitamin A thực tế của ba đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em dưới 5 tuổi, bà mẹ đang mang thai và bà mẹ đang cho con bú. Đồng thời đề tài cũng nghiên cứu về lợi ích tiềm năng của giống lúa vàng nếu đưa vào tiêu thụ tại xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Số liệu điều tra ban đầu được thu thập từ việc lấy mẫu máu của 151 đối tượng trên để xét nghiệm việc thiếu vitamin A và phỏng vấn trực tiếp nhằm tìm hiểu nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu vitamin A của ba đối tượng trên.
Kết quả cho thấy các nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu vitamin A như: ăn uống đã không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng là 52,32%. Chi phí không đáp ứng đủ 2.100Kcal là 55,63%. Có 41,72% bà mẹ không biết tác hại do thiếu vitamin A gây nên, chỉ có 60,26% bà mẹ đi uống vitamin A sau khi sinh, và 47,02% các cháu bé dưới 5 tuổi được uống vitamin A (mặc dù xã Hoá Thượng được đưa vào chương trình được uống vitamin A 100%). Về giới tính, bé gái thiếu vitamin A cao hơn bé trai.
Tỉ lệ thiếu vitamin ở trẻ em dưới 5 tuổi là 24%, bà mẹ đang mang thai là 3,92% và bà mẹ đang cho con bú là 48%.
Sau cùng vận dụng phương pháp DALYs (Disability Adjusted Life Years) được WHO và WB sử dụng để tính thiệt hại do thiếu vitamin A và lợi ích tiềm năng của giống lúa vàng. Kết quả cho thấy nếu sử dụng giống lúa vàng trong bữa ăn hàng ngày thì số năm mất đi do tử vong và bệnh tật giảm và chúng tôi đã qui đổi cho các nước đang phát triển là một năm mất đi của tử vong và bệnh tật do thiếu vitami A là 1.000$ U.S, như vậy chi phí giảm đi do việc giảm thiếu vitamin A mang lại có hai trường hợp. Nếu lúa vàng chứa 1,6 mg beta-carotene/100g gạo thì chi phí giảm từ tử vong là 20 $ U.S, bệnh cấp tính là 111 $ U.S và bệnh mãn tính là 542 $ U.S. Nếu lúa vàng chứa 3 mg beta-carotene/100g gạo thì chi phí sẽ giảm của tử vong là 39 $ U.S, của bệnh cấp tính là 221$$ U.S, và bệnh mãn tính là 1.084$ U.S.
Tỉ lệ người được phỏng vấn sử dụng giống lúa vàng là 60,3%.
Mai Thị Vân Anh
“Xây dựng mô hình sử dụng đất nông nghiệp thời kỳ 2005-2010 huyện An Phú, tỉnh An Giang”
Đề tài được thực hiện tại huyện An Phú từ tháng 5-2005 đến tháng 12-2005. Phương pháp sử dụng trong đề tài nghiên cứu gồm phương pháp lịch sử, phương pháp thống kê mô tả, phương pháp đánh giá nhanh, phương pháp chuyên gia, phương pháp phỏng vấn trực tiếp, phương pháp điều tra chọn mẫu bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp, phương pháp dự báo năng suất và xây dựng bản đồ tổng hợp trên cơ sở chồng ghép các loại bản đồ bằng phần mềm MAPINFO.
Sản phẩm của đề tài nghiên cứu là hai mô hình sử dụng đất theo mục tiêu đạt hiệu quả về sử dụng đất, mang tính khả thi cao và không tác động xấu môi trường. Đó là mô hình 1- Phát triển trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia đình, mô hình 2- Trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia đình và chăn nuôi tập trung. Mô hình xây dựng theo nguyên tắc "phân tích thực tế, kết hợp lý luận để định hướng tương lai". Trên cơ sở phân tích hiệu quả về kinh tế, xã hội, tính khả thi trong thực tiễn để đề xuất giải pháp thực hiện từng mô hình. Mục đích là đưa ra những mô hình sử dụng đất phù hợp với tình hình địa phương, đạt hiệu quả kinh tế cao và tính xã hội phổ biến.
Mai Chiếm Hiếu
“ Nghiên cứu thực trạng và những nhân tố tác động đến nghèo ở thị xã Bảo Lôc tỉnh Lâm Đồng”
Nghiên cứu đã được thực hiện trên cơ sở điều tra hộ gia đình của 5 phường, xã đại diện cho thị xã Bảo Lộc bao gồm: Phường I, phường Lộc Phát, xã Lộc Nga, xã Đa’mri và xã Đại Lào. Số liệu được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp với 245 hộ gia đình.
Kết quả nghiên cứu thực tế ở thị xã Bảo Lộc đã cho thấy nghèo đói ở đây chưa thực sự nghiêm trọng, với tỉ lệ nghèo là 15,9%; trong đó tỉ lệ nghèo ở nông thôn là 20,5% và thành thị 10,1%.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng có hai nhóm nhân tố tác động đến khả năng nghèo cũng như thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình theo chiều hướng ngược nhau.
Thứ nhất, nhóm các nhân tố có tác động làm giảm thu nhập bình quân đầu người (tác động âm) và làm gia tăng (tác động dương) khả năng nghèo của hộ gia đình bao gồm: nghề nghiệp của chủ hộ, nơi cư trú của hộ, quy mô của hộ gia đình và tỉ lệ số học sinh đến trường trên tổng số người trong gia đình. Theo đó, nhóm các chủ hộ làm nghề nông; những hộ sống cách biệt, xa trung tâm; những hộ đông người và có nhiều trẻ em đến trường sẽ làm giảm mức thu nhập bình quân đầu người và gia tăng khả năng nghèo của hộ gia đình.
Thứ hai, nhóm các nhân tố tác động làm tăng thu nhập bình quân đầu người (tác động dương ) cũng như làm giảm khả năng nghèo (tác động âm) bao gồm: trình độ học vấn của chủ hộ; trình độ học vấn bình quân của những người trưởng thành trong gia đình; diện tích đất canh tác của hộ; khả năng tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức của hộ. Theo đó, nhóm các hộ mà trình độ học vấn của chủ hộ và trình độ của những người trưởng thành trong gia đình càng cao, có nhiều diện tích đất canh tác hơn và tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức của chính phủ thì có tác động làm cho thu nhập bình quân đầu người tăng lên, khả năng rơi vào hoàn cảnh nghèo của hộ gia đình giảm xuống.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu về sự phân hoá giàu nghèo ở thị xã Bảo Lộc còn cho thấy, mặc dù sự phân hoá giàu nghèo ở đây chưa cao, nhưng dưới tác động của sự phân hoá về đất đai sử dụng đang làm cho khoảng cách phân hoá thu nhập ở nông thôn là cao hơn hẳn so với thành thị.
Nguyễn Thị Ngọc Trâm
“Ảnh hưởng sự bất bình đẳng của từng nguồn thu nhập đến sự bất bình đẳng chung trong phân phối thu nhập ở tỉnh Long An”
Đề tài được tiến hành nhằm:
1. Phân tích thực trạng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Long An nói chung, nông thôn và thành thị Long An nói riêng.
2. Phân tích ảnh hưởng sự bất bình đẳng từng nguồn thu nhập đến sự bất bình đẳng chung trong thu nhập ở Long An, nông thôn và thành thị của Long An.
3. Phân tích khi 1% thu nhập của từng nguồn tăng lên ảnh hưởng đến sự thay đổi trong bất bình đẳng.
4. Phân tích những thay đổi khi mỗi thành phần thu nhập tăng lên.
5. Kiến nghị một số giải pháp trong mối quan hệ giữa thu nhập và bất bình đẳng thu nhập.
Đề tài sử dụng số liệu điều tra thu nhập hộ gia đình của Cục Thống kê tỉnh Long An trong cuộc điều tra mức sống dân cư năm 2002, số liệu được điều tra ngẫu nhiên và phân chia theo khu vực nông thôn, thành thị. Đề tài dựa vào số liệu thu nhập phân chia theo khu vực để phân tích sự bất bình đẳng từng khu vực và phân tích chung cho cả tỉnh Long An. Thu nhập hộ gia đình được chia thành sáu nguồn thu: thu nhập từ lương (làm công, làm thuê); thu nhập từ trồng trọt; thu nhập từ chăn nuôi; thu nhập từ thuỷ sản; thu nhập từ phi nông và nguồn thu khác. Để phân tích số liệu, đề tài đã sử dụng phương pháp phân tích định lượng để ước lượng hệ số Gini, phân chia hệ số Gini chung thành hệ số Gini cho từng nguồn thu nhập, ước lượng tác động của sự thay đổi một nguồn thu nhập bất kỳ đến hệ số Gini và phúc lợi và sử dụng phương pháp thống kê mô tả để mô tả những hiện trạng đang tồn tại nhằm so sánh, đánh giá, từ đó có những quyết định cho những kế hoạch chính sách trong tương lai.
Kết quả nghiên cứu cho thấy thông qua phân tích phân hoá giàu nghèo giữa nhóm thu nhập cao nhất và nhóm thu nhập thấp nhất, khu vực thành thị có sự chênh lệch giàu nghèo hơn so với khu vực nông thôn và chung cả tỉnh Long An. Đường cong Lorenz khu vực thành thị của Long An cách xa đường 450 hơn so với đường cong Lorenz khu vực nông thôn và chung cả tỉnh Long An; ở nông thôn đường cong Lorenz nằm gần đường 450 nhất. Điều này cho thấy sự bất bình đẳng tập trung lớn ở nội bộ khu vực thành thị.
Phân tích hệ số Gini để định lượng rõ hơn sự bất bình đẳng thu nhập từng khu vực và hệ số Gini từng nguồn thu nhập tác động đến sự bất bình đẳng chung. Kết quả phân tích thu nhập cho thấy khu vực thành thị có hệ số Gini cao nhất và nguồn đóng góp lớn cho sự bất bình đẳng là thu nhập phi nông và nguồn thu khác, khi tăng thu nhập từ những nguồn này thì hệ số Gini chung sẽ tăng thêm và càng trầm trọng hơn cho sự bất bình đẳng. Tương tự như vậy, khu vực nông thôn hệ số Gini thấp và nguồn thu nhập từ lương và trồng trọt là nguyên nhân của sự bất bình đẳng. Tính chung cả tỉnh Long An, thu nhập từ lương, phi nông, nguồn thu khác ảnh hưởng lớn đến bất bình đẳng thu nhập.
Nguyễn Thị Thu
“Ảnh hưởng của trình độ học vấn của chủ hộ đến tổng thu nhập của nông hộ ở xã Tân Long, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long”
Đề tài được tiến hành tại Xã Tân Long, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long, thời gian từ tháng 10 năm 2003 đến tháng 06 năm 2005. Số liệu được điều tra trên 100 hộ làm nông nghiệp.
Đề tài đi sâu phân tích mức độ ảnh hưởng của trình độ học vấn của chủ hộ đến tổng thu nhập, sau đó nghiên cứu thêm ảnh hưởng của tổng thu nhập đến ý thức giữ gìn các mối quan hệ xã hội (món tiền gia đình dành đi dự tiệc hàng xóm, mức độ đóng góp cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương) và ý thức về vệ sinh môi trường sống (việc lựa chọn nguồn nước sinh hoạt, loại nhà vệ sinh, loại nhà tắm).
Để thấy được ảnh hưởng của trình độ học vấn đến tổng thu nhập của nông hộ phương trình hồi quy: Ln(tổng thu nhập) = F (diện tích canh tác, tài sản dành cho sản xuất, số người lao động trong gia đình, tuổi của chủ hộ, tuổi trung bình của các thành viên trong gia đình, trình độ học vấn của chủ hộ, trình độ học vấn trung bình của các thành viên khác trong gia đình, giới tính của chủ hộ) đã được áp dụng. Dữ liệu được phân tích hồi quy bằng phần mềm SPSS và Shazam.
Các phương trình hồi quy cho thấy học vấn của chủ hộ là biến quan trọng, ảnh hưởng mạnh và tích cực đến tổng thu nhập của nông hộ với tác động cận biên là 7,19% trên một cấp học, bên cạnh đó trình độ học vấn trung bình của các thành viên đang lao động cũng quan trọng không kém, có giá trị tác động cận biên là 7,13%. Chưa thấy được quan hệ giữa trình độ học vấn của chủ hộ và các hoạt động xã hội của nông hộ. Còn đối với những hoạt động về môi trường, trình độ học vấn của chủ hộ đã thể hiện phần nào sự ảnh hưởng nhưng vẫn chưa rõ nét.
Đề tài cũng cho thấy yếu tố tổng thu nhập của hộ gia đình có ảnh hưởng đến một số hoạt động kinh tế xã hội của nông hộ.
Tóm lại, nghiên cứu đã khẳng định rằng trình độ học vấn là nhân tố quan trọng ảnh hưởng mạnh và tích cực đến thu nhập của hộ gia đình, học vấn càng cao thì thu nhập càng cao, và thu nhập là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế xã hội của hộ nông nghiệp.
Phan Phúc Hạnh
“Đánh giá ảnh hưởng của chương trình huấn luyện IPM trên cây bông vải tại Daklak” Đề tài được tiến hành tại Daklak, thời gian từ 04-2002 đến 11-2003. Nghiên cứu được tiến hành dựa trên phương pháp điều tra chọn mẫu và được kết hợp thực hiện với Công ty bông Việt Nam trong cuộc điều tra tình hình sản xuất bông vải tại Daklak trong vụ bông năm 2001, năm 2002. Việc tiến hành điều tra chia thành 2 đợt, đợt I trước khi thực hiện chương trình huấn luyện IPM và đợt II sau khi thực hiện chương trình. Qua việc so sánh hiệu quả trong sản xuất, sự thay đổi chất lượng môi trường và năng lực, kỹ năng của hộ nông dân, nghiên cứu đã thể hiện những tác động của chương trình huấn luyện IPM cụ thể như sau:
Về hiệu quả kinh tế:
- Lượng thuốc trừ sâu sử dụng của nhóm hộ IPM đã giảm từ 15.84 lít/ hộ (2001), năm 2002 lượng thuốc trừ sâu sử dụng là 2,54 lít/ hộ.
- Chi phí lao động giảm 1 lượng là 706.278 đồng/ ha.
Về hiệu quả xã hội, chương trình đã góp phần làm cải thiện thu nhập của các hộ nghèo. Bên cạnh đó, tác động của chương trình còn thể hiện qua việc giảm số hộ sử dụng phương pháp sử dụng thuốc trừ sâu để phòng trừ sâu bệnh.
Về hiệu quả môi trường, nhóm hộ IPM có chi phí thiệt hại sức khỏe thấp nhất, 477.000 VNĐ. Nhóm hộ AH.IPM có chi phí thiệt hại sức khỏe là 1.098.000 VNĐ và nhóm K.IPM là 3.264.000 VNĐ.
Phan Thành Tâm
"Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập nông hộ tại địa bàn Nông Trường Sông Hậu huyện Ô Môn tỉnh Cần Thơ"
Đề tài được tiến hành tại địa bàn Nông Trường Sông Hậu, thời gian từ tháng 8 năm 2002 đến tháng 12 năm 2002 nhằm:
1) Phân tích một số chỉ tiêu kinh tế nông hộ.
2) Phân tích các thông số ước lượng hàm thu nhập, hàm xác suất nghèo đói và hàm
sản xuất tác động đến thu nhập nông hộ.
3) Phân tích các chính sách tác động đến thu nhập nông hộ.
4) Trên cơ sở đó, đề tài đưa ra một số ý kiến đề xuất góp phần làm tăng thu nhập
nông hộ.
Số liệu được thu thập qua điều tra trực tiếp 100 hộ nông dân được chọn ngẫu nhiên trong tổng số 2157 hộ vào năm 2002. Các nông hộ được điều tra phỏng vấn trên cơ sở sử dụng bảng mẫu điều tra đã được chuẩn bị trước. Để phân tích số liệu đề tài đã sử dụng một số phương pháp như: phương pháp thống kê mô tả, phương pháp nghiên cứu lịch sử và phương pháp tương quan. Công cụ phân tích bao gồm: áp dụng hàm tuyến tính, hàm probit, hàm phi tuyến (bậc 2) và phân tích kinh tế toàn phần; dùng phần mềm Excel và phần mềm SPSS để chạy hàm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy thu nhập nông hộ chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như: trình độ văn hóa chủ hộ, kinh nghiệm sản xuất, số thành viên trong gia đình, lao động ngoài nông nghiệp và khả năng tiếp cận với vốn vay. Ngoài ra, thu nhập nông hộ còn bị tác động gián tiếp bởi các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lúa và chính sách đa canh đa dạng hóa sản xuất của nông trường thông qua các mô hình canh tác.
________________________________________________________
Địa chỉ liên lạc:
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Tuân, Trưởng Phòng Sau Đại Học, Đại Học Nông Lâm TP.HCM
Điện thoại: 08.8963339
E-mail: nntuan@hcmuaf.edu.vn
Ngày cập nhật: 25/9/2006
Số lần xem trang: 3644
Điều chỉnh lần cuối: 01-10-2007